Có rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi nhận được trong quá trình làm dịch vụ xin visa đi nước ngoài cho khách hàng, từ những câu hỏi đơn giản cũng có, câu hỏi phức tạp cũng có. Với kinh nghiệm làm visa hơn 15 năm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, bài viết hôm nay sẽ tổng hợp các kinh nghiệm xin visa nước ngoài mà các bạn quan tâm.
Như Á Châu đã nói ở trên, Á Châu nhận được rất nhiều thắc mắc của các khách hàng, với một bài chia sẻ kinh nghiệm ngắn ngủi này, chúng tôi không thể nào trả lời chi tiết cho từng trường hợp của các bạn. Á Châu chỉ có thể thống kê lại một số điều cần lưu ý khi mọi người xin visa đi nước ngoài, mà cụ thể là các nước phát triển.
* Kinh nghiệm xin visa nước ngoài bạn nên biết
1. “Bí quyết” chung của việc xin visa thành công đó là bạn LÀM THEO CHÍNH XÁC yêu cầu của đại sứ quán.
LÀM THEO CHÍNH XÁC yêu cầu của đại sứ quán: Tức là họ yêu cầu 12 loại giấy tờ, thì bạn nộp đúng 12 loại giấy tờ như thế. Nếu họ yêu cầu 12 hạng mục, mà bạn chỉ đem tới giấy tờ của 11 hạng mục thôi, thì bạn sẽ bị yêu cầu bổ sung. Mà một khi đã bị yêu cầu bổ sung thì thời điểm có kết quả visa sẽ bị lùi lại, làm chậm công việc của bạn. Do đó, bạn phải đọc thật kỹ, kiểm tra thật kỹ giấy tờ trong hồ sơ của mình nhé.
2. Nên làm visa sớm hơn thời gian dự định
Bạn nên xin visa càng sớm càng tốt. Ví dụ như tháng 7 xuất phát thì tháng 5 hoặc ngay đầu tháng 6 phải nộp hồ sơ rồi. Các đại sứ quán có lịch của họ. Trong nhiều trường hợp, cho dù bạn cần đi gấp thì họ cũng sẽ không giải quyết sớm cho bạn vì nhân lực của họ hạn chế, không đủ người để giải quyết cho ai theo diện ưu tiên.
Trong trường hợp bạn được mời đi công tác và lịch bay gấp, bạn có thể nhờ đơn vị mời can thiệp hộ bằng cách gửi fax đến sứ quán để họ “châm chước”. Nhưng tất nhiên cũng tùy sứ quán mà nguyện vọng của bạn có được đáp ứng hay không.
3. Cần check kỹ yêu cầu về số tiền thanh toán lệ phí xin visa.
Một số đại sứ quán yêu cầu nộp tiền VNĐ, nhưng 1 số khác lại yêu cầu nộp $$$ (tiền Việt họ lại không nhận). Trường hợp như ĐSQ Mỹ thì theo mình nhớ là phải thanh toán lệ phí trước qua một ngân hàng trung gian rồi kẹp hóa đơn vào hồ sơ xin visa (bạn nào cần biết cụ thể xin mời google, mình không làm hộ công việc đơn giản này nha).
4. Kiểm tra và đặt phòng khách sạn
Để tránh “bài học thương đau”, nếu có phải bao gồm giấy booking khách sạn trong hồ sơ thì bạn nên đặt phòng khách sạn nào cho phép refund, để nếu không được cấp visa thì bạn còn cancel kịp và không mất tiền.
* Một số kinh nghiệm khi xin visa tại các Đại sứ quán
Á Châu sẽ không nêu hết các nước, mà chỉ chia sẻ cho bạn kinh nghiệm xin visa ở một số nước phát triển mà khách hàng của chúng tôi thường có nhu cầu quan tâm cao nhất.
– Đại sứ quán/Lãnh sự quán Mỹ: nhiều người nói ĐSQ Mỹ khó lắm, nhưng ĐSQ Mỹ là ĐSQ làm việc nhanh và chuyên nghiệp nhất . Lý do là vì khi xin visa đi Mỹ, người ta sẽ xem hồ sơ của bạn rồi phỏng vấn bạn luôn trong ngày hẹn, sau đó bạn sẽ biết luôn mình có được nhận visa hay không. Cách thức làm việc này rất nhanh, khác với trường hợp của đa số ĐSQ là bạn nộp hồ sơ rồi 1-2, hoặc có khi 3 tuần sau mới có kết quả.
Với ĐSQ Mỹ, cần lưu ý là bạn phải phỏng vấn bằng tiếng Anh, nên hoặc là bạn sẽ cần đến người phiên dịch, hoặc là bạn chuẩn bị tốt cho việc trả lời phỏng vấn. Cần trả lời thẳng thắn, không quanh co, không nói dối, vì nếu bị phát hiện là người ta từ chối bạn liền.
– Đại sứ quán/Lãnh sự Đài Loan: Á Châu thấy họ làm việc khá nhanh gọn. Tất nhiên mình cũng phải ngồi chờ đến lượt để nộp hồ sơ nhưng được cái không gặp khó khăn gì.
– Đại sứ quán/Lãnh sự Hàn Quốc: Đây là địa chỉ thường trong tình trạng quá tải vì lượng người xin visa rất đông. Tuy nhiên, họ sẽ cho bạn số, rồi bạn ngồi chờ cho đến khi đến lượt (phòng chờ khá thoải mái, nên mang theo điện thoại hoặc sách báo để giải trí lúc ngồi chờ). Chỉ cần nộp đầy đủ giấy tờ, rồi 2 tuần sau đấy lấy hộ chiếu là xong!
– Đại sứ quán/Lãnh sự Nhật: Xin visa Nhật thì có đặc thù là bạn nên có người quen, bạn bè hoặc người thân mời sang (nên, nhưng không có nghĩa là bắt buộc, cũng có người không có người quen thân mà vẫn xin được visa). Lệ phí xin visa đi Nhật thì khá mềm, chừng 600 nghìn (mức phí ở thời điểm 2017).
– Xin visa Schengen đi Châu Âu: vì đặc thù mỗi ĐSQ một khác nên mình khó lòng đưa ra lời khuyên chính xác được. Nhưng Á Châu vẫn phải nhấn mạnh lại là bạn phải chuẩn bị kỹ, làm đúng theo thủ tục và cố gắng nộp hồ sơ xin visa sớm. Tuy xin visa đi Châu Âu có chút phức tạp, nhưng được cái khi đã có visa Schengen rồi thì bạn có thể đi lại thoải mái giữa các nước Châu Âu.
Còn một điểm cần lưu ý nữa là xin visa Schengen thì phải mua bảo hiểm du lịch nhé. Nhưng hãy yên tâm là hiện nay có nhiều loại bảo hiểm không hề đắt, chi phí chỉ khoảng vài trăm nghìn nếu bạn đi trong 1-2 tuần, mà lại được đảm bảo nếu có thất lạc hành lý, gặp tai nạn hay lỡ chuyến bay thì bạn sẽ được bảo hiểm đền bù.
–Xin visa đi Thổ Nhĩ Kỳ: Để xin visa điện tử, bạn cần có visa Schengen hoặc thẻ cư trú của một nước thuộc nhóm OECD và vé máy bay với một hãng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó xin e-visa qua mạng (thao tác khá đơn giản, nhanh gọn). Hướng dẫn chi tiết đã có ở trang này.
* Một số lưu ý nhỏ khác khi xin visa nước ngoài
– Hầu hết các sứ quán đều yêu cầu bạn nộp đầy đủ giấy tờ kèm theo bản sao hộ chiếu (có đầy đủ các trang dán visa các nước bạn từng đi hoặc dấu của các nước bạn từng đến). Một số sứ quán không nêu rõ yêu cầu này trên website nên trước khi nộp hồ sơ tốt nhất bạn nên photo hộ chiếu ra 1-2 bản, mang theo cho an tâm.
– Đối với các sứ quán không làm việc theo kiểu đặt lịch hẹn trước, bạn cần lưu ý giờ giấc làm việc và không đến muộn sau giờ làm việc quy định. Cần để ý cả ngày nghỉ của sứ quán nữa vì nhiều sứ quán có những ngày nghỉ của riêng nước họ (ngày làm việc của bạn có khi lại là ngày nghỉ của họ, thành ra bạn có đến cũng công cốc!). Lịch nhận hồ sơ và trả hồ sơ thường rơi vào các ngày hoặc buổi khác nhau. Cái này bạn cần hỏi kỹ nhân viên bảo vệ hoặc đọc kỹ hướng dẫn trên website của sứ quán.
– Thường thì các sứ quán sẽ có quy định về hạn mức tiền tiết kiệm tối thiểu bạn cần có, nên các bạn cần phải theo dõi những yêu cầu cần có trong bộ hồ sơ của mình về việc chứng minh tài chính để không bị bất ngờ trước số tiền mà đất nước bạn cần xin visa yêu cầu.
Hãy hiểu rằng đi du lịch những nước phát triển rất tốn kém. Ví dụ, nếu không tính tiền vé máy bay thì bạn có thể đi chơi được ở London trong 1 tuần với 15 triệu đồng, hoặc thậm chí 10 triệu đồng nếu có người cho ở nhờ và có thẻ tín dụng, nhưng sứ quán sẽ không thông cảm cho tình trạng tài chính hạn hẹp đâu (nhất là khi có những rủi ro như lỡ chuyến bay, gặp vấn đề cần đến nhiều tiền như tai nạn không may…) nên bạn cần chuẩn bị đủ nhé.